THỰC HIỆN MỤC TIÊU NGĂN TRIỀU CHỐNG NGẬP; GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN KINH TÊ - XÃ HỘI

Không còn cảnh các phương tiện giao thông lội bì bõm trên các tuyến đường ngập sâu do triều cường dâng cao, không còn cảnh tát nước ngập ra khỏi nhà, không còn cảnh các cửa hàng đìu hiu vắng khách, phải đóng cửa do bị ngập nước. Đó chính là vai trò quan trọng của dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1 (dự án ngăn triều), góp phần ngăn triều chống ngập với diện tích khoảng 570 km2 thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố, gồm các quận 1, 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè khi dự án đi vào giai đoạn vận hành.

Theo nghiên cứu, Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố có nguy cơ ảnh hưởng do biến đối khí hậu cao nhất thế giới (theo dự báo khi biến đổi khí hậu diễn ra, diện tích bị ngập của thành phố đến cuối thế kỷ 21 lần lượt là 128 km2, 204 km2 và 473 km2 tương ứng với các kịch bản nước biển dâng 65cm, 75cm và 100cm); khả năng kiểm soát ngập do triều cường là điều kiện không thể thực hiện được, do đó cần phải tiếp tục nghiên cứu triển khai một chiến lược quản lý ngập lụt một cách bền vững, thân thiện môi trường.

 

Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang đối mặt với triều cường với diễn biến ngày càng phức tạp, không chỉ làm đảo lộn đời sống người dân mà còn gây thiệt hại nặng nề cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Nếu những năm trước, triều cường tại thành phố thường ở mức thấp, mực nước triều chỉ dâng cao vào những tháng cuối năm thì hiện triều cường xuất hiện quanh năm, thường xuyên vượt mức báo động 3, có khi lên trên 1,7 m, gây ngập rất nhiều khu vực.
Ngoài một số địa bàn trũng thấp thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường như khu vực Quận 4, Quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh, hiện triều cường dâng cao có thể gây ngập nhiều tuyến đường thuộc Quận 1 vốn là khu vực ở vị trí cao, được trang bị đầy đủ hệ thống thoát nước.

Mỗi khi triều cường dâng cao gây ngập nước thì đời sống sinh hoạt, kinh doanh của các hộ dân trở nên vô cùng khó khăn. Các phương tiện giao thông phải di chuyển trong những vùng ngập nước đầy mùi hôi thối, nhiều phương tiện bị chết máy; các hộ dân trong vùng ngập nước phải tất tả tát nước tràn vào nhà, dòn dẹp đồ đạc lên cao, trong khi các cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa để bảo vệ hàng hóa không bị hư hỏng do ngập nước.

Lý giải về diễn biến bất thường của triều cường, theo các chuyên gia môi trường tại Thành phố Hồ Chí Minh, triều cường diễn biến ngày càng bất thường là do nhiều nguyên nhân, trong đó có biến đổi khí hậu. Hậu quả của biến đổi khí hậu là tạo nên nước biển dâng; nước biển dâng sẽ tạo nên triều cường, có những điểm rất biến động, năm sau cao hơn năm trước. Bên cạnh đó, do quá trình đô thị hóa nhanh làm cho triều cường vốn được gọi là "triều lành" trở thành "triều dữ" với nhiều bất thường, có nơi dâng cao, có nơi tạo thành những xoáy nước gây ngập nghiêm trọng.

Trong khi đó, theo nhận định của các kỹ sư cầu đường, tình trạng ngập khi có triều cường là do hiện nay mực nước triều cường tại Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1,7 m so với cao độ chuẩn quốc gia nhưng cao độ của thành phố chỉ hơn 1m. Do đó, khi triều cường dâng lên, hệ thống cống thoát nước nằm dưới thấp so với mực nước triều nên nước bị trào ngược lên trên gây ngập. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặt đường trũng cục bộ, hệ thống cống hiện hữu có tiết diện nhỏ (D400 - D600), mưa lớn trong thời gian ngắn, lượng nước tại các hẻm đổ về rất nhiều, trong khi nước rút chậm nên gây ngập. Mặt khác, nhiều hệ thống thoát nước do đầu tư đã lâu, bị hư hỏng, xuống cấp cục bộ không đảm bảo thoát nước mỗi khi mưa lớn. Ngoài ra, do một số tuyến đường là trục thoát nước chính cho hạ lưu hiện không đảm bảo thoát nước cho khu vực nên gây ngập.

Hệ thống cống thoát nước lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Đôi, kênh Tẻ, kênh Hàng Bàng có cao độ 1 m so với cao độ chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, so với mực nước triều cường, đòi hỏi cao độ hệ thống cống thoát nước là 1,7 m. Để đạt được cao độ này cần nâng cao đường và hệ thống cống thoát nước, tốn rất nhiều chi phí, ảnh hưởng lớn đến nhà của người dân trong lưu vực. Điển hình như khi nâng đường và hệ thống cống đường Kinh Dương Vương (Quận 6, quận Bình Tân), nhà dân trở nên rất thấp so với mặt đường. Một giải pháp giảm ngập khác được đưa ra là xây dựng bờ kè dọc hai bên sông Sài Gòn tránh nước tràn vào khu vực trũng thấp, tuy nhiên cần một nguồn kinh phí vô cùng lớn để thực hiện phương án này.

 

Để giữ nguyên cao độ khu vực các kênh thoát nước mà vẫn đảm bảo giảm ngập, thành phố đang thực hiện Giải quyết ngập do triều khu vực Thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1. Đây là một trong những giải pháp có tính khả thi cao, góp phần giảm ngập hiệu quả ở các địa bàn trũng thấp. Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 là chủ đầu tư dự án, triển khai theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Quy mô chính của dự án là đầu tư xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn gồm các cống Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, các cống nhỏ và 7,8km đê kè xung yếu khu vực sông Sài Gòn. Hiện dự án đang thực hiện đạt 78% giá trị xây lắp, dự kiến hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2020.

Khi hoàn thành và đưa vào vận hành, dự án ngăn triều góp phần giải quyết vấn đề ngập do triều cường trên địa bàn thành phố với diện tích khoảng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời hỗ trợ thoát nước cho hệ thống hiện hữu khi mưa lớn kết hợp triều cường cao.

Đến lúc đó, sẽ không còn cảnh người dân phải điều khiển các phương tiện giao thông lội bì bõm trong dòng nước ngập đen kịt bốc mùi hôi thối, không còn cảnh các hộ dân kè bao cát trước của để ngăn nước tràn vào nhà vừa tát nước ngập từ nhà ra ngoài. Nếu không còn tình trạng ngập nước do triều cường ở khu vực trũng thấp thì sẽ không còn cảnh các cửa hàng phải tất tả dọn dẹp hàng hóa kê lên cao để không bị hư hỏng do nước ngập tràn vào nhà, các hàng quán không còn phải rơi vào cảnh đìu hiu vắng khách do cả một khu vực bị ngập nước. Nếu giải quyết được tất cả các tình trạng này, cuộc sống người dân ở khu vực trũng thấp được ổn định, các hộ dân yên tâm kinh doanh phát triển kinh tế. Vì vậy có thể khẳng định dự án ngăn triều có ý nghĩa rất lớn trong việc ổn định cuộc sống của người dân ở các vùng bị ảnh hưởng ngập nước do triều cường cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh./.

Ban Truyền thông

TOP