CÓ MỘT LỄ THƯỢNG CỜ ĐẶC BIỆT TRÊN BIỂN - TRUNGNAM GROUP

VƯƠN RA BIỂN LỚN

 
Dưới mặt nước, những chiếc cần cẩu siêu trường siêu trọng cũng kéo lá đại kỳ của Tổ quốc và một lá cờ mang logo của Trungnam Group căng mình trước cơn gió chiều. Giữa một rừng tuabin gió được ví như những "cối xay gió" đang vận hành giữa biển chiều, những người tham dự buổi lễ cảm thấy vừa xúc động, vừa tự hào khi một công trình điện gió lên đến 100 MW cuối cùng cũng đã hoàn thành dù đối diện với muôn vàn khó khăn.

Là người ngày đêm gắn bó với quá trình xây dựng dự án, ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Trungnam Group - hôm nay không còn khoác trên mình chiếc áo phản quang và đội nón bảo hộ lao động của dân xây dựng như thường ngày mà thay vào đó là một chiếc áo vest trang nghiêm để chứng kiến một lễ thượng cờ đặc biệt khiến bản thân ông mang nhiều cảm xúc.
 
Nhìn lá đại kỳ tung bay, ông Tiến nói rằng dự án điện gió trên biển này là một minh chứng cho trình độ, vị thế và tiềm lực của doanh nghiệp Việt khi có thể xây dựng một cách "thần tốc" dự án điện gió quy mô lớn trên biển. Đây cũng là công trình điện gió đầu tiên mà Trungnam Group xây dựng trên biển và tới thời điểm hiện nay vẫn là số ít dự án điện gió có quy mô lớn ở trên các vùng biển Việt.
 
Theo ông Tiến, niềm tự hào của dự án này là sự "vươn ra biển lớn" của doanh nghiệp tư nhân Việt, vừa đầu tư cho nguồn năng lượng sạch trong nước, vừa cho thấy sức vóc của các doanh nghiệp tư nhân Việt đang lớn mạnh từng ngày để xây nên những công trình của người Việt, tạo công ăn việc làm cho người Việt và đóng góp thêm nguồn lực để phát triển kinh tế quốc gia. Còn với những công trình điện gió trên biển, mỗi trụ điện gió là một cột mốc về chủ quyền, cột mốc về kinh tế biển được dựng nên từ bàn tay của những người Việt.

VƯỢT KHÓ CẮM TRỤ GIÓ TRÊN BIỂN

 
Với những người làm điện gió ở Việt Nam, hơn một năm qua là quãng thời gian sôi động chưa từng có với ngành năng lượng tái tạo nhưng cũng là quãng thời gian vô cùng gian khó khi có những lúc các dự án đối diện "tứ bề thọ địch" khi COVID-19 kéo theo cả chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, cách ly phong tỏa kéo dài khiến việc di chuyển, vận chuyển thiết bị cũng gián đoạn.
 
Còn với Trungnam Group, dù triển khai nhiều dự án trên bờ, dưới biển cùng một lúc nhưng với sự nỗ lực của toàn bộ đội ngũ, các dự án đã về đích đúng hạn. Riêng với dự án điện gió Đông Hải 1, những người đi xây công trình đã đối diện với những khó khăn chưa từng có.
Dự án được khởi động vào cuối quý 4 năm ngoái, sau hơn 10 tháng triển khai, Công ty Cổ phần điện Gió Trung Nam Trà Vinh 1 đã vận chuyển gần 70.000 tấn thiết bị nguyên vật liệu trải qua quãng đường hơn 12.000 km để tập kết tại dự án. 

Xuyên suốt quá trình thi công, 1.100 kỹ sư công nhân trực tiếp thực hiện thi công trên 14km cầu công tác giữa biển, sử dụng với hơn 18.000 tấn thép, đóng trực tiếp 115.000m cọc thép vào lòng biển để xây dựng móng cho các trụ gió. 

Ông Đỗ Văn Kiên - Giám đốc Công ty Trung Nam Trà Vinh 1 - cho hay quá trình lắp đặt trụ gió cũng đòi hỏi dàn xe cơ giới cẩu trục với chiều cao 130m và lực nâng hơn 1.200 tấn để có thể hoàn chỉnh lắp ráp 75 cánh gió vào các trụ gió ở độ cao 105m.

Theo ông Kiên, bên cạnh những khó khăn khi thi công với thiết bị khổng lồ, các trở ngại, hạn chế về khí hậu và thủy văn tại khu vực cũng trực tiếp ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án, nhất là khi đặc trưng vùng biển thường xuyên xảy ra gió chướng và sóng lừng. 
 

TIẾP TỤC VƯƠN RA BIỂN LỚN

 
Đứng trên công trình điện gió này, ông Nguyễn Quỳnh Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh - cho biết trong thời gian triển khai dự án điện gió, những trở ngại trong bối cảnh dịch bệnh, những khó khăn về điều kiện tự nhiên của Trà Vinh và những khác lạ khi thực thi dự án trên biển không khiến Công ty Trung Nam chùn bước với "mục tiêu kép" của Chính phủ và với cam kết cho tỉnh nhà.
Theo ông Thiện, chỉ trong thời gian xúc tiến và triển khai thi công 10 tháng, 25 trụ gió công nghệ châu Âu với độ cao hơn 105 m, sừng sững giữa mặt biển Đông Hải, hằng ngày tạo ra dòng điện sạch, đem đến nguồn lợi kinh tế tỉnh nhà chính là thành tựu quan trọng và cũng là kỳ vọng cho một tương lai không xa của tỉnh Trà Vinh đối với các dự án điện gió ngoài khơi. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh khẳng định tiềm năng gió của Trà Vinh chưa được khai thác hết công suất, do đó tỉnh Trà Vinh mong muốn được đồng hành với các doanh nghiệp để khai mở và phát huy tiềm năng đối với mũi nhọn kinh tế mới của tỉnh. Theo Trungnam Group, dù đối diện với nhiều khó khăn, song đội ngũ kỹ sư đã vượt khó, sáng tạo và thích nghi trong quá trình thi công để quá trình xây dựng dự án được diễn ra nhanh nhất. 

Ngoài việc tối ưu thời gian thực hiện, các bước thi công được đội ngũ kỹ sư lên kế hoạch chi tiết và đề xuất kịch bản các phương án xử lý kỹ thuật cụ thể để hạn chế các nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình thi công, vì để an toàn lao động, các hoạt động thi công trên biển đều phải tuân theo điều kiện tự nhiên của gió và sóng.

 
Ông Nguyễn Tâm Tiến cho hay tuy là dự án điện gió biển đầu tiên của công ty, nhưng hoàn thành lắp đặt 25 trụ gió của dự án là bước thành công của Trungnam Group đối với thách thức hướng ra biển lớn, hoàn thành cam kết "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phát huy phát triển kinh tế song hành. 

Dự án điện gió Đông Hải 1 chính là thực tế cho định hướng bền vững với năng lượng tái tạo của Trungnam Group và cũng là minh chứng rõ ràng cho khả năng thực thi của đội ngũ công nhân kỹ sư cho các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn trong tương lai.

TOP