NHỜ ĐÂU TRUNGNAM GROUP GIỮ THÁI ĐỘ NHẤT QUÁN ĐẦY TỰ TIN TRƯỚC NHỮNG "TIN ĐỒN" BỦA VÂY LIÊN QUAN ĐẾN 27.000 TỶ ĐỒNG TRÁI PHIẾU?

Không phải là công ty đại chúng, nhưng ngày 3/11 vừa qua, Trungnam Group, một doanh nghiệp tư nhân đã tổ chức buổi gặp gỡ quy mô lớn với các nhà đầu tư, đối tác tại khách sạn Rex, Nguyễn Huệ, Tp Hồ Chí Minh.

Điều này xuất phát từ việc trên thị trường vừa qua có nhiều tin đồn liên quan đến hoạt động kinh doanh và tài chính của Trung Nam, đặc biệt là số dư nợ trái phiếu lên tới hơn 27.000 tỷ đồng (theo số liệu DN cho biết).

Chỉ là một doanh nghiệp tư nhân chưa niêm yết, tiềm lực của Trung Nam đến đâu, sao lại có khả năng huy động một lượng lớn như vậy trên thị trường vốn? Đây hẳn là câu hỏi mà những người quan tâm đến cái tên Trung Nam cần rõ ngọn ngành.

Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam (Trungnam Group - viết tắt TNG) thành lập từ năm 2004 và hoạt động trong 4 lĩnh vực: Năng lượng, hạ tầng - xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử.

" Trung Nam là doanh nghiệp tư nhân mà cơ cấu cổ đông là anh em, bạn bè, đồng nghiệp,... đi cùng nhau trong 18 năm qua ", bà Đỗ Tú Anh - Phó TGĐ Trungnam Group chia sẻ trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư chiều ngày 3/11.

Ban lãnh đạo của Trung Nam xoay quanh hai anh em họ Nguyễn, ông Nguyễn Tâm Thịnh - nhà sáng lập, chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc.

Ông Thịnh có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây lắp, năng lượng; ông Tiến có kinh nghiệm 30 năm trong lĩnh vực xây dựng, năng lượng và cơ khí điện tử.

Ông Nguyễn Tâm Tiến - TGĐ Trung Nam Group.

Theo số liệu cập nhật gần nhất từ Công ty chứng khoán VNDirect (VND), vốn chủ sở hữu của Trung Nam tham gia vào dự án hơn 27.000 tỷ đồng.

Trong đó, vốn góp chủ sở hữu (vốn điều lệ) 20.000 tỷ đồng, nguồn thu từ thoái vốn phần thiểu số ở các dự án 2.700 tỷ đồng. Ngoài ra là nguồn vốn từ lợi nhuận kinh doanh hàng năm để lại.

Cũng theo số liệu từ VND, hạn mức tín dụng và LC của TNG là 7.700 tỷ đồng, khoản vay và trái phiếu trung dài hạn tài trợ dự án là 45.000 tỷ đồng.

Doanh thu thực tế năm 2021 của TNG theo công bố trong hội nghị với các nhà đầu tư ngày 3/11 là 203 triệu USD, EBITDA là 189 triệu USD, tương đương 93% doanh thu.

Có những phân tích về lợi nhuận của TNG trong các năm trước không tích cực tuy nhiên cần phải biết rằng, với doanh nghiệp đầu tư dự án, đặc biệt trong ngành năng lượng, giới chuyên môn khi đánh giá khả năng trả nợ sẽ quan tâm đến chỉ số EBITDA hơn là lợi nhuận ròng.

EBITDA là lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao. Nhắc lại một chút về lý thuyết tài chính, khấu hao không phải là chi phí bằng tiền và nó được chấp nhận trong nguồn trả nợ của doanh nghiệp.

Sở dĩ EBITDA của TNG cao là vì trong ngành năng lượng, chi phí khấu hao chiếm tỷ trọng lớn trong giá vốn sản phẩm, sẽ đánh giá không đúng năng lực trả nợ của doanh nghiệp nếu bỏ qua chi phí khấu hao.

"Hai lớn nhất, một đầu tiên"

Ở thời điểm hiện tại, theo số liệu thống kê, Trung Nam có hai cái nhất.

Đầu tiên, họ là doanh nghiệp tư nhân có công suất phát điện lớn nhất Việt Nam với 1,61 GW phát lên lưới điện quốc gia (nếu trừ đi phần tương ứng đã bán vốn ở một số nhà máy điện thì còn 1,4 GW). TNG đang sở hữu tổng cộng 14 nhà máy điện, bao gồm thủy điện, điện mặt trời và điện gió. Tổng công suất là 1,7 GW.

Thứ hai, họ là doanh nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) lớn nhất Việt Nam, theo số liệu tổng hợp so sánh của VNDirect.

Nhìn vào sản lượng trên đồ thị, có thể thấy Trung Nam đang dẫn đầu về mảng điện gió ở Việt Nam.

Trong 10 trang trại điện NLTT đang vận hành có công suất lớn nhất Việt Nam thì điện gió Ea Nam tại Đaklak của Trung Nam xếp thứ 5. Đây cũng là dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á trên một lần thi công triển khai, theo thông tin từ Trung Nam.

Số liệu theo IEEFA tính đến tháng 6/2022 do VNDirect tổng hợp.

Bên cạnh đó, Trung Nam cũng là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam đầu tư xây dựng trạm biến áp và đường dây truyền tải 500KV. Theo bà Tú Anh, lĩnh vực truyền tải là lĩnh vực rất hấp dẫn trong tương lai, với quy mô đầu tư 14 tỷ USD trong vòng 10 năm tới.

" Bất kể lúc đó TNG đóng vai trò là nhà đầu tư hay nhà thầu năng lượng truyền tải, cơ hội của TNG rất lớn " bà Tú Anh nói.

Vấn đề đáng quan tâm với Trung Nam hiện nay, đó là nợ nhiều?

Thời gian qua, câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm là " Nợ nhiều vậy, Trung Nam lấy đâu nguồn để trả? "

Từ bán điện, tất nhiên!

Câu chuyện của ngành năng lượng (không chỉ năng lượng tái tạo) là câu chuyện bỏ tiền chẵn và thu tiền lẻ. Sẽ khó cho một chủ đầu tư trong ngành này nếu thời gian thu hồi vốn dưới 7 năm.

Theo bà Tú Anh, trong 27.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành, có 7.000 tỷ đồng sử dụng cho việc mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ dự án (siêu trường siêu trọng) và 20.000 tỷ đồng trái phiếu đầu tư dự án. Nghĩa là số tiền này để giải ngân đã phải trải qua khâu thẩm định rất chặt chẽ và tính toán đủ dòng tiền trả nợ.

Xin nhắc lại, dòng tiền trả nợ không chỉ có lợi nhuận ròng!

Khi đánh giá thẩm định dự án đầu tư năng lượng, thay vì số đông choáng ngợp trước món vay "khủng", tổ chức tín dụng sẽ đánh giá những điểm chính:

Thứ nhất , dự án khả thi và hợp lý hay không? Nếu không có tính khả thi (về mặt luật pháp, chính sách, thị trường đầu ra,...) dự án sẽ thất bại. Nếu tổng mức đầu tư và suất đầu tư không hợp lý, dự án sẽ bị đội vốn, không đạt được hiệu quả kinh tế.

Thứ hai , khả năng triển khai và vận hành dự án của chủ đầu tư. Nói cách khác là đánh giá năng lực của chủ đầu tư về mọi mặt, không chỉ tài chính, mà còn kinh nghiệm, bộ máy quản lý, điều hành, uy tín,...

Thứ ba, dự phóng dòng tiền dự án. Đây là nhân tố quan trọng, quyết định sự "sống còn" của một dự án. Và rủi ro lớn nhất của ngành năng lượng chính là sự không chắc chắn của dòng tiền do chính sách mua điện là biến số trong từng thời kỳ.

Cần phải nhắc lại rằng, đầu ra của thị trường điện chỉ có duy nhất một người mua, là tập đoàn điện lực Việt Nam EVN.

Rủi ro này đang hiện diện ở Trung Nam với sự kiện ngày 31/08/2022 Công ty mua bán điện thuộc EVN có văn bản số 6082/EPTC-KDMĐ thông báo ngừng huy động phần công suất chưa có giá bán điện dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW (dự án Trung Nam - Thuận Nam).

Tổ hợp nhà máy điện mặt trời Trung Nam.

Cũng cần phải nói rõ, từ 01/9/2022, EVN thông báo sẽ không mua 172 MW của dự án, còn 278 MW vẫn mua bình thường. Con số 172 MW chiếm khoảng 10% sản lượng phát điện của TNG.

Nghĩa là, mặc dù doanh nghiệp có thiệt hại kinh tế nhưng sự kiện này không thể khiến dòng tiền chung của doanh nghiệp bị tắc nghẽn.

Mặc dù vậy, do dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW được tài trợ vốn và khi dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế, sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất.

Điều này có thể dẫn đến rủi ro mất khả năng cân đối trả nợ vay của dự án đó. Cho đến giờ, chưa ghi nhận thông tin tiêu cực về việc chuyển nhóm nợ hay quá hạn với TNG.

Lãnh đạo Trung Nam rất tự tin, vì sao?

Thái độ nhất quán của các lãnh đạo cấp cao TNG đối với các câu hỏi và sự quan tâm của dư luận đó là sự tự tin.

" Về trái phiếu phát hành ra, tôi khẳng định với các anh chị là tôi ăn ngon, ngủ yên, không vấn đề gì hết ”, ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Trungnam Group khẳng định chắc nịch trong buổi tọa đàm do VNDirect tổ chức ngày 27/10 vừa qua.

Đầu tiên, Trung Nam khẳng định, họ là tập đoàn tư nhân duy nhất đầu tư, phát triển và xây dựng các nhà máy điện của mình từ đầu, không thông qua việc mua bán sáp nhập (M&A) hay cổ phần hóa.

Từ năm 2007, Trung Nam đã đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 2, đây là một lợi thế lớn về sự am hiểu và kinh nghiệm khi so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành nhưng đi lên từ M&A.

" Chúng tôi đi lên từ việc phát triển đập thủy điện Đồng Nai 2. Sau đó chúng tôi làm tiếp theo 2 nhà máy thủy điện Krông nô. Sau khi làm thủy điện, chúng tôi dần dần hiểu biết về thị trường năng lượng, chúng tôi biết cách tính toán giá FIT, biết cách đàm phán hợp đồng với đơn vị độc quyền mua điện là EVN ", bà Tú Anh nói.

" Đối với chúng tôi việc triển khai dự án điện mặt trời hay điện gió giống như cơm ăn áo mặc hàng ngày ", bà Tú Anh khẳng định và cho biết thêm, mặc dù thị trường năng lượng tái tạo có thách thức, nhưng việc triển khai thi công đúng thời gian, đúng ngân sách, công suất, đảm bảo an toàn, Trung Nam rất tự tin.

Trên thực tế, tốc độ thi công của Trung Nam đều nhanh gọn. Dự án điện mặt trời ở Trà Vinh (140 MW) chỉ mất 5 tháng để thi công xong; dự án Trung Nam Thuận Nam (450 MW) cũng thi công trong 5 tháng. Đặc biệt, dự án Đông Hải (100 MW) thi công trong 11 tháng trong điều kiện khắc nghiệt, ở trên là gió, ở dưới là sóng, dao động giữa đỉnh và chân trụ rất lớn.

TNG cũng là doanh nghiệp tư nhân duy nhất tại Việt Nam (cho đến lúc này) thi công và hoàn thành được đường dây truyền tải 17km và trạm biến áp 500 KV, thời gian tổng cộng 102 ngày.

Đường dây truyền tải điện 500kV.

Sở dĩ làm được các dự án một cách "thần tốc", theo bà Tú Anh - Phó Tổng giám đốc TNG, đó là vì TNG hiểu và có sự chuẩn bị kỹ càng

" Chẳng hạn như dự án Trà Vinh, chúng tôi đã đo gió 3 năm nay. Chúng tôi lựa chọn công nghệ phù hợp với dữ liệu, xong mới lựa chọn giải pháp tài chính. Ở Trà Vinh chúng tôi cũng có bãi tập kết thiết bị. Bãi tập kết thiết bị là vô cùng quan trọng. Việc tạo ra những thân trụ có đường kính chỗ lớn nhất lên tới 30m và những cánh quạt có chiều dài 120m, nếu không có chỗ tập kết phù hợp sẽ không thể lắp đặt được ", bà Tú Anh nói.

Tổng Giám đốc TNG, ông Nguyễn Tâm Tiến, đã đúc kết lại bí quyết thi công nhanh của TNG qua 4 chữ K.

" Thứ nhất, đội ngũ Trung Nam trẻ, khát vọng. Chữ K thứ nhất là khát vọng. Chữ K thứ hai là khổ luyện. Rất là khổ " Ông Tiến kể " TGĐ Trung Nam (ông Tiến) ngày tiêu chẳng hết 100 nghìn đồng, ôm công trường, lăn lộn ở công trình riết với anh em "

Chữ K thứ ba là kỹ thuật và chữ K thứ tư là kỷ luật - " Hô xung phong là lên đường ", ông Tiến nói.

Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư của Trung Nam tại khách sạn Rex - Tp Hồ Chí Minh ngày 3/11

Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư của Trung Nam tại khách sạn Rex - Tp Hồ Chí Minh ngày 3/11.

Bên cạnh đó, về cơ sở vật chất, TNG sở hữu lượng phương tiện "khủng" như xe vận tải siêu trường siêu trọng, sà lan 20.000 tấn có thể thi công trên biển và các cần cẩu, to nhất lên tới 1.250 tấn. Đó là yếu tố quan trọng để đảm bảo thành công trong việc lắp đặt các trụ điện gió và vận hành sửa chữa cho các trụ điện gió cần phải bảo dưỡng sau thời gian COD.

*Ngày vận hành thương mại (tiếng Anh: Commercial Operation Date, viết tắt: COD) là ngày mà nhà máy điện nhận được Chứng nhận thử nghiệm cuối cùng và đã vượt qua các thử nghiệm vận hành thành công.

Theo bà Tú Anh, hiệu quả hoạt động của ngành năng lượng tái tạo phụ thuộc rất nhiều vào việc chọn thiết bị tốt, vận hành, bảo dưỡng tốt, độ khả dụng thiết bị cao.

Trong đó, độ khả dụng thiết bị là yếu tố rất quan trọng. Độ khả dụng thiết bị càng cao, thiết bị hoạt động được công suất càng cao. Và đây là một trong hai nhân tố quyết định dòng tiền trong tương lai có ổn định hay không, bên cạnh yếu tố về chính sách mua điện của EVN.

Theo đại diện TNG, họ đã chọn một phương án an toàn với những thiết bị cơ khí phức tạp không làm chủ được kỹ thuật, đó là để cho nhà cung cấp thiết bị chịu trách nhiệm.

Trong hợp đồng với bên cung cấp thiết bị có điều khoản về độ khả dụng của thiết bị. Chẳng hạn với nhà cung cấp tuabin gió, đảm bảo độ khả dụng thiết bị 95% cho năm đầu tiên và 97% kể từ năm thứ 2 trở đi. Nếu không đạt sẽ phạt.

" Đó là bí quyết chúng tôi đảm bảo độ khả dụng luôn được cao ", bà Tú Anh nói.

Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư của Trung Nam tại khách sạn Rex - Tp Hồ Chí Minh ngày 3/11

Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư của Trung Nam tại khách sạn Rex - Tp Hồ Chí Minh ngày 3/11.

Cuối cùng, bên cạnh các yếu tố tự tin về năng lực thi công và vận hành các dự án điện gió, Trung Nam còn có "của để dành" là quỹ đất gần 600 hecta.

" Chúng tôi có quỹ đất gần 600 hecta, chưa khai thác, đã đền bù giải phóng mặt bằng xong, làm hạ tầng xong. Đây là quỹ đất chúng tôi tích lũy trong quá trình làm dự án BT giao thông trước đây. Đang đợi chuyển hóa thành tiền mặt ", bà Tú Anh chia sẻ thêm.

Theo An Vũ/Nhịp sống thị trường.

TOP